CHẤT BẢO QUẢN LÀ GÌ?
Chất bảo quản trong công nghiệp là các loại hợp chất hoặc chất liệu được sử dụng để bảo quản sản phẩm, nguyên liệu, hoặc thiết bị trong môi trường sản xuất công nghiệp.
Mục tiêu chính của việc sử dụng chất bảo quản là ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự suy giảm, biến đổi, hoặc hủy hoại của sản phẩm hoặc thiết bị do tác động của thời gian, nhiệt độ, độ ẩm, vi khuẩn, nấm mốc, oxy, và các yếu tố khác.
Có nhiều loại chất bảo quản khác nhau trong công nghiệp, và sự lựa chọn phụ thuộc vào loại sản phẩm cần bảo quản và điều kiện môi trường. Dưới đây là một số ví dụ về các loại chất bảo quản phổ biến trong công nghiệp:
Chất bảo quản hóa mỹ phẩm, hàng hóa hóa công nghiệp: Thường dùng để diệt các loại vi khuẩn, nấm mốc, kéo dài thời gian sử dụng của các sản phẩm (đặc biệt sản phẩm có chứa nước). Một số sản phẩm thường sử dụng: CMIT/MIT, BIT, DMDMH, Phenoxyethanol,...
Chất bảo quản thực phẩm: Những chất này được sử dụng để bảo quản thực phẩm, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và chất gây ô nhiễm khác. Ví dụ bao gồm muối, đường, acid citric và natri benzoat.
Chất chống oxy hóa: Chất này được sử dụng để ngăn oxy gây oxi hóa và làm hỏng sản phẩm. Ví dụ bao gồm BHA (butylated hydroxyanisole) và BHT (butylated hydroxytoluene).
Chất diệt khuẩn nhanh, vệ sinh thiết bị, nguồn nước sản xuất: Các chất này để vệ sinh thường xuyên dụng cụ, thiết bị dùng trong sản xuất, xử lý nguồn nước… Ví dụ: Clo, DBNPA, Bronopol…
Cần phải lưu ý rằng việc sử dụng các chất bảo quản cần tuân theo các quy định và tiêu chuẩn an toàn và môi trường để đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng là an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.
VÌ SAO PHẢI SỬ DỤNG CHẤT BẢO QUẢN?
Nhiều người khi nói đến chất bảo quản sẽ có cái nhìn không thiện cảm. Tuy nhiên, chất bảo quản trong sản xuất hàng hóa có tầm quan trọng rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn, và khả năng lưu trữ của sản phẩm.
Nhiễm khuẩn là một trong những sự cố gây hậu quả nặng nề tới các đơn vị sản xuất. Nhiễm khuẩn hàng hóa gây thiệt hại tới thành phẩm, làm giảm chất lượng, biến đổi, hủy hoại sản phẩm, làm mất uy tín đơn vị sản xuất, phát sinh nhiều chi phí để xử lý. Một khi hàng hóa đã nhiễm khuẩn thì khả năng cao sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn chéo đến nguyên liệu, vật tư. Đặc biệt, tại Việt Nam, kiểu khí hậu nóng ẩm là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Điều này gây lãng phí rất lớn cho đơn vị sản xuất.
Để khắc phục tình trạng đó, việc sử dụng chất bảo quản một cách hợp lý sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn hoặc khắc phục được tình trạng nhiễm khuẩn đó.
Dưới đây là một số điểm quan trọng về tầm quan trọng của chất bảo quản trong sản xuất hàng công nghiệp:
-
Bảo quản sản phẩm: Chất bảo quản giúp ngăn chặn sự suy giảm, biến đổi hoặc hủy hoại sản phẩm do tác động của thời gian, nhiệt độ, độ ẩm, vi khuẩn, nấm mốc, oxy, và các yếu tố khác. Điều này đảm bảo rằng sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng khi được giao tới thị trường.
-
Kéo dài thời hạn sử dụng: Chất bảo quản có khả năng kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm, giúp giảm lãng phí và tăng hiệu suất sản xuất. Điều này quan trọng đặc biệt trong ngành thực phẩm, y tế và nhiều ngành công nghiệp khác.
-
Bảo vệ khỏi vi khuẩn và nấm mốc: Chất bảo quản có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, giúp sản phẩm duy trì tính an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Việc này đặc biệt quan trọng trong ngành thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.
-
Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng: Chất bảo quản đảm bảo rằng sản phẩm không chứa vi khuẩn gây hại và nấm mốc, giảm nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
-
Đáp ứng yêu cầu vận chuyển và lưu trữ: Trong quá trình vận chuyển và lưu trữ sản phẩm công nghiệp, sản phẩm có thể phải chịu nhiệt độ, độ ẩm và điều kiện môi trường khắc nghiệt. Chất bảo quản giúp đảm bảo rằng sản phẩm không bị hỏng hoặc suy giảm chất lượng trong quá trình này.
-
Tiết kiệm chi phí và tài nguyên: Chất bảo quản có thể giúp giảm thiểu lãng phí và giảm thiểu việc sản phẩm phải bị loại bỏ hoặc tái chế sớm do suy giảm chất lượng.
DÙNG CHẤT BẢO QUẢN NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
Như đã đề cập, chất bảo quản có vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa, tuy nhiên sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí nguyên liệu lại là một bài toán khó. Sử dụng quá ít sẽ không có hiệu quả diệt khuẩn, còn sử dụng nhiều thì gây lãng phí nguyên liệu. Sử dụng sai cách có thể dẫn đến việc sản phẩm làm ra không có hoặc chậm có khả năng hoạt động của chất bảo quản, dẫn đến hư hỏng sản phẩm.
Vậy, để sử dụng chất bảo quản hiệu quả nhất thì đơn vị sản xuất cần phải thực hiện:
-
Lựa chọn sản phẩm chất bảo quản phù hợp với mục đích: ví dụ: vệ sinh nhà xưởng, vật tư cần chọn những hoạt chất có khả năng diệt khuẩn nhanh như DBNPA, Bronopol, Clo…; để phòng chống hư hỏng, kéo dài thời gian bảo quản thì dùng những hoạt chất khó phân hủy như BIT; để chống hư hỏng trong sản xuất dùng CMIT/MIT…
-
Lựa chọn sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp, test vi sinh kỹ trước khi đưa vào sản xuất.
-
Vệ sinh nhà xưởng thường xuyên, sục rửa đường ống, bồn nước, máy móc sản xuất với chất diệt khuẩn nhanh.
-
Điều chỉnh hàm lượng chất bảo quản phù hợp với mục đích sử dụng, sử dụng trong hàm lượng cho phép theo quy định, theo tài liệu…